TRƯỜNG TTH
TRƯỜNG TTH
Trên thế giới có hai hệ thống trường hoạt động theo triết lý có nhiều điểm chung với MTTL là trường Rudolf Steiner và Krishnamurti, một hệ thống trường thứ ba có triết lý được hội TTH khuyến khích là Montessori. Còn một loại trường khác ít được nghe nói tới là trường TTH, bài sau đây xin trình bầy tổng quát sự phát triển của hệ thống trường TTH, từ lúc thành lập đến nay 2024 tại các nước.
- Ấn Độ
Trường TTH đầu tiên được ông Olcott, Chánh hội trưởng Hội Theosophy, thành lập tại Adyar, Ấn Độ năm 1894 có tên Olcott Memorial School và vẫn còn tiếp tục đến ngày nay. Mới đầu trường chỉ có bậc tiểu học sau đó mở rộng lên trung học và năm 2013 đổi tên thành Olcott Memorial Higher Secondary School. Trường được lập để cho các em thuộc giai cấp thấp nhất Paraiyar một nền giáo dục miễn phí. Đó là trường Paraiyar đầu tiên trong vùng. Ngoài ra trường còn cung cấp những điều sau cũng miễn phí cho học trò hương thôn, là đồng phục, sách vở và ngày hai bữa cho nhiều em nghèo ở miền quê. Trường được xếp hạng là một trong những trường hàng đầu có thành tích học tập tốt đẹp nhất, thuộc tiểu bang Tamil Nadu.
Điều đáng nói là trường mang tính cách từ thiện hơn là TTH từ buổi đầu cho tới ngày nay, và không được xem là trường theo triết lý TTH đúng nghĩa.
Địa chí: 2, Besant Avenue, Besant Nagar, Chennai, Tamil Nadu 600090, India
Web page: https://www.ts-adyar.org/olcott-memorial-higher-secondary-school
Từ năm 1899 đến 1934, có thêm khoảng bẩy trường TTH được lập tại Ấn nhưng không hoạt động lâu, hoặc là đóng cửa, hoặc chuyển sang thành trường do chính phủ quản trị và không còn theo triết lý TTH.
Sang thế kỷ 21 một trường TTH được thành lập gồm mẫu giáo và tiểu học tên The Adyar Theosophical Academy, hoạt động theo khuôn mẫu của hệ thống trường TTH tại Phi mà ta sẽ nói thêm ở phần dưới. Trường mở cửa năm 2019 tại trụ sở Hội ở Adyar. Một trong các điểm chính của chủ trương tại trường là không có lòng sợ hãi và óc ganh đua trong việc học, hai điều này không được dùng như là cách để kiểm soát hay thúc đẩy sự học tập, dù chính thức hay tế nhị, mà giúp trẻ tự chọn môn em muốn học, làm chủ việc học của mình, để tạo các em thành người học tập suốt đời.
Ngoài những trường do chính hội lập ra, các nhóm độc lập mà theo triết lý TTH như Olcott Educational Society, Besant Educational, Theosophical Order of Service in India cũng thành lập và điều hành khoảng hơn mười trường tại Ấn.
Chót hết, một trường đại học do các hội viên tại Ấn lập ra năm 1898 tên Central Hindu College, sau đó trường chuyển sang hệ thống của chính phủ và đổi tên thành Benares Hindu University tại Benares, đại học này được xem là một trong những đại học có tiếng giỏi nhất ở Ấn.
2. Tích Lan
Tích Lan là nước thứ nhì có trường TTH. Trường đầu tiên do ông Olcott lập năm 1880 tên Mahinda College. Tích Lan thuở ấy bị Anh cai trị và nói chung có hai hệ thống trường, thuộc Thiên Chúa giáo và Phật giáo. Phật giáo bị đối xử bất công, như dân chúng phải làm lễ thành hôn tại nhà thờ Thiên Chúa giáo dù rằng họ là tín đồ Phật giáo. Ông Olcott là Phật tử nên Phật tử tại Tích Lan nhờ ông bênh vực. Một trong những cách ông giúp là thành lập các trường Phật giáo do hội Theosophy tại Tích Lan trực tiếp quản trị. Tính đến 1935 có 229 trường như thế cho nam và nữ sinh. Khi Tích Lan độc lập năm 1947 các trường dần dần thuộc về chính phủ.
Một số hiệu trưởng, giáo sư ban đầu tại các trường này là hội viên hội TTH ở các nước Tây phương như ở Âu châu và Úc. Thuở ấy hai hệ thống hoạt động song song, khi thấy có nhiều học sinh theo học các trường Phật giáo, một số trường Thiên Chúa giáo phản ứng bằng cách bỏ học phí để thu hút học sinh ! Số học sinh theo học trường Phật giáo giảm lần và sau vài năm các trường đóng cửa.
Ananda College
Là một trường Phật giáo tại Colombo, được ông Olcott lập năm 1886 với tên English Buddhist School, năm 1895 trường đổi tên thành Ananda College Colombo cho đến nay. Năm 1961 trường đổi thành trường chính phủ. Trường có tiếng là trường giỏi tại Tích Lan.
3. Anh
Có lẽ Anh là nước Âu châu có nhiều trường TTH nhất. Trường đầu tiên Arundale School Letchworth thành lập năm 1915, tới năm 1919 trường hợp với Modern School lập năm 1918 thành một trường TTH chung, mang tên St. Christopher School. Ngày nay trường vẫn còn hoạt động nhưng với tư cách là trường độc lập và không còn theo triết lý TTH. Ngoài ra còn ít nhất 9 trường TTH khác lập trong thập niên 1910. Tới cuối thập niên 1920 thì các trường này hoặc đóng cửa hoặc trở thành trường độc lập.
Ngoài các trường TTH trung và tiểu học, một số nước còn có trường đào tạo thầy cô do các tổ chức có liên hệ với hội TTH điều hành, đó là Tích Lan, Anh, Java, Hòa Lan trong thế kỷ 20.
4. Java và Hòa Lan
Java là thuộc địa của Hòa Lan có nhiều hội viên hội Theosophy cư ngụ và làm việc ở đây, họ lập chi bộ và mở trường TTH từ năm 1913. Đến năm 1926 tính ra có 15 trường TTH, các trường này hoặc có nhân viên là hội viên của hội Theosophy, hoặc chịu ảnh hưởng của triết lý TTH. Từ năm 1942 đa số trường tư chuyển sang thành trường chính phủ.
Có ghi nhận là trong lịch sử Indonesia, một số biến cố quan trọng kể luôn cả hoạt động của các tổ chức quốc gia vào thời kỳ dành độc lập, có liên hệ với sinh hoạt của hội tại Java. Chẳng những vậy, phong trào TTH ở địa phương còn góp phần vào việc giáo dục nữ giới và đại học, bắt đầu là các lớp dạy tiếng Hòa Lan rồi việc lập Theosophical Study Fund.
Trong giai đoạn 1900 - 1947 phong trào TTH đóng một vai trò đáng kể cho việc nẩy sinh chủ nghĩa quốc gia ở Java, cũng như có liên hệ giữa phong trào với phong trào thanh niên ở Java từ 1920, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển chủ nghĩa quốc gia, dẫn đến tuyên ngôn thanh niên năm 1928 công nhận một nước Indonesia. Do vậy, phong trào TTH tại Indonesia trong thời kỳ Hòa Lan đô hộ, đã cho ảnh hưởng lâu dài về cả giáo dục và tinh thần quốc gia.
Tại Hòa Lan, trường TTH đầu tiên được lập tại Amsterdam năm 1890, và có ít nhất hai trường TTH khác được lập trong khoảng 1915.
5. Phi Luật Tân
Trường tiểu học TTH được lập khoảng 1947 và đóng cửa vài năm sau. Đến thập niên 1980 nỗ lực được tái tục và kéo dài đến ngày nay, tổng cộng có bẩy trường TTH trong hệ thống tại Phillippines, với trường chính tên Golden Link College. Chủ trương triết lý của hệ thống được tóm dịch ở cuối bài này.
6. Úc
Có khoảng sáu trường TTH được thành lập tại đây từ 1913 đến 1922, trường sau cùng đóng cửa năm 1928. Các trường nhận nam, nữ học sinh bậc trung học, có nội trú.
7. New Zealand
Trường TTH tại Auckland hoạt động một thời gian khá dài, Vasanta Garden School mở cửa năm 1919 và đóng cửa năm 1959, có nội trú.
Một điểm chung của các trường TTH là khi bắt đầu thì trường đón nhận học sinh không phân biệt tôn giáo, và chương trình học có giờ tôn giáo, giảng về chỉ dạy của tất cả các tôn giáo. Khởi sự thì đa số học sinh là con cái mà cha mẹ là hội viên hội Theosophy, khi trường vững mạnh có nhiều học sinh thì các em thuộc tôn giáo khác chiếm đa số. Các trường được hiện hữu và tồn tại nhờ sự hy sinh đáng kể và nỗ lực to lớn của nhiều người.
8. Hoa Kỳ
Ta không có nhiều thông tin, chỉ biết rằng:
– Tổ chức Theosophical Education Society lập năm 1915.
– The Francis Saint Alban School được lập cùng năm 1915 tại Santa Monica, California.
– School of the Golden Gate, California, hoạt động từ 1916 đến 1924.
Ngoài những nước trên, tại Trung Hoa có ít nhất hai trường TTH:
– Besant Girls’ school ở Thượng Hải, 1926-38 ?
– Besant school for Boys ở Thượng Hải, 1927 ?
9. World Theosophical University
Đại học Theosophy bắt đầu một cách khiêm nhường năm 1920 tại Hoa Kỳ, Krotona với tám phân khoa và 30 sinh viên.
Tới năm 1925 có vài đề nghị được đưa ra về việc thành lập World Theosophical University nhưng không thành thực tại. Có chút nỗ lực tiếp tục sau đó như các nhóm nghiên cứu Research Groups được lập ra tại Anh năm 1931, và việc xuất bản Quarterly Bulletin. Đây là sinh hoạt chính của World Theosophical University vào lúc ấy, nhưng đến năm 1933 tạp chí ngưng phát hành và hoạt động của tổ chức dừng lại năm 1934; rồi tên World Theosophical University được đổi thành Theosophical World Trust for Education and Research năm 1964. Với tên mới này, dự án được thực hiện theo cách thực tế hơn, đó là nhiều nhóm nghiên cứu thành hình tại một số nước như:
– Research Group tại New Zealand, 1955,
– Research Group tại Hòa Lan, 1955.
– Science Group tại Úc (1964),
– Krotona Institute of Theosophy tại Hoa Kỳ (1964),
– Theosophical Science group tại Ấn (1964),
Các nhóm công bố kết quả nghiên cứu của họ về nhiều ngành khoa học, và thỉnh thoảng tổ chức buổi hội thảo quốc tế. Một trong những việc làm này là nghiên cứu về thông nhãn của nhóm tại New Zealand, và nhóm y khoa tại Anh. Chi tiết và kết quả của các sinh hoạt ấy được đăng trên PST:
– Vấn Đề khi quan sát bằng Thông Nhãn, số 79.
– Các Thể Thanh 2 - số 81.
– Nghiên Cứu bằng Thông Nhãn, số 84, v.v.
Sau đây là bài đọc thêm.
Kinh nghiệm về Giáo dục TTH tại Phi
Tính đến 2024 có bẩy trường TTH tại bốn thành phố ở Phi. Triết lý áp dụng tại các trường này lấy hứng khởi từ ý của triết gia J. Krishnamurti. Trường đầu tiên được thành lập năm 1984 là một trường mẫu giáo tên Sunshine Learning Center, đặt tại trụ sở hội Theosophy của Phi và có 15 em. Chương trình học dựa trên chương trình căn bản cho mẫu giáo, và ngay tự ban sơ trường có các tính chất như không xếp hạng học trò, không ganh đua, gây sợ hãi hay có trừng phạt. Thêm nữa, trường luôn luôn tìm cách tạo khung cảnh thương yêu, dưỡng dục và liên hệ chăm lo giữa thầy cô với trò, và trường cung cấp thức ăn chay. Học sinh lớn lên trong bầu không khí tự do có kỷ luật, nơi các em được tự do là mình nhưng cùng lúc được hướng dẫn để phát triển thói quen có kỷ luật bản thân trong lớp học. Khi từ mẫu giáo chuyển sang tiểu học, người ta thấy nói chung các em phát triển rất khá về học chữ, lẫn những điều không về học vấn.
Năm 1996 trường mẫu giáo TTH thứ hai được lập trong một vùng rất nghèo, thuộc khu ổ chuột bên ngoài thủ đô Manilla. Trường có chương trình học và cách hoạt động giống như Sunshine Learning Center.
Năm 2002, Golden Link School được lập ra cho bậc tiểu học và trung học. Việc tìm đất xây trường, gây quỹ là công khó của nhiều người, bắt đầu là lớp mẫu giáo và tới năm 2006 có lớp cho bậc trung học. Trong những năm ấy, trường gặp khó khăn về việc tìm được thầy cô dạy học theo triết lý giáo dục mà trường chủ trương. Giáo viên tốt nghiệp trường sư phạm thông thường thì không quen với cách dạy học không dùng sự giận dữ, đe dọa, sợ hãi hay trừng phạt. Nhóm Golden Link chủ trương huấn luyện thầy cô trong một năm hay lâu hơn về phương pháp mới.
Kinh nghiệm cho thấy thầy cô càng lớn tuổi thì càng khó thích ứng với triết lý này, và nhóm học được hai điều trong những năm đầu:
– Họ tránh không mướn thầy cô quá mức tuổi nào đó. Thầy cô mới ra trường thì dễ hơn, miễn là họ chịu cởi mở với đường lối mới.
– Nhóm Golden Link nhận ra là họ cần đào tạo thầy cô cho trường của mình ở bậc đại học. Do vậy có quyết định mở trường cao đẳng năm 2009, với ban sư phạm gồm hai ngành, cử nhân bậc tiểu học và cử nhân bậc trung học. Ngoài ban sư phạm, trường cao đẳng còn có ban Information Technology, Business Administration và Tâm Lý học. Nhóm cho biết họ có thể áp dụng trọn vẹn nền giáo dục TTH ở bậc cao đẳng, là sinh viên bắt buộc phải học những môn TTH không được giảng dạy ở trường chính phủ như:
– Theosophy
– Đối chiếu Tôn giáo
– Triết học
– Biến đổi bản thân – Self-Transformation
– Hôn nhân và Làm Cha Mẹ.
Riêng sinh viên ngành sư phạm phải học thêm môn ‘Giáo Dục TTH’.
Sinh viên cho hay việc học các môn TTH gây ấn tượng sâu xa cho đời họ. Nhiều người vào trường cao đẳng với quan điểm tôn giáo hẹp hòi, gần như thiển cận, có người còn tích cực tìm cách khuyến dụ sinh viên khác bỏ đạo của họ để theo đạo của mình. Sau khi học xong bốn môn đầu liệt kê ở trên, họ thấy quan điểm của mình thay đổi hẳn, ai cũng thành quí chuộng sự tự do trí tuệ,
Ai đến thăm trường thuộc hệ thống Golden Link đều cảm nhận bầu không khí thân yêu giữa học trò và thầy cô. Nhiều yếu tố góp lại tạo nên điều ấy, như việc không dùng lòng sợ hãi để thúc đẩy các em học tập, thầy cô có lòng chăm sóc, và không có tinh thần ganh đua trong chương trình học lẫn sinh hoạt trong lớp. Phương pháp này gợi nên sự tốt đẹp nhất trong lòng của trẻ, cũng như liên hệ thân yêu là điều rất quan trọng trong nền giáo dục TTH.
Kết quả của phương pháp này sau nhiều năm áp dụng được thấy là học sinh xử sự đàng hoàng (tuy dĩ nhiên là không toàn hảo), biết tôn trong, giúp đỡ và vui vẻ. Nói chung trường không có học sinh gây phiền phức, dù trường cho vào học các em đã bị trường khác đuổi học hay không được chấp nhận, do thành tích bất hảo. Một khi được vô học trường Golden Link, thái độ và hành vi của các em thay đổi trong vòng sáu tháng. Lý do có vẻ rất hiển nhiên và giản dị. Bất cứ trẻ nào cũng thành quân bình trong bầu không khí thương yêu, trật tự, biết tôn trọng và có thách đố. Động lực muốn phá hoại hay có hành vi chống xã hội biến mất. Trẻ hạnh phúc có khuynh hướng thành trẻ tốt lành. Đức hạnh nẩy sinh dễ dàng và tự nhiên trong bầu không khí và môi trường như vậy.
Học sinh rất vui ở trường, các em không tránh né các thách đố khó khăn vì không có trừng phạt nếu em không làm được. Em được tiếp tục khuyến khích và khen do có nỗ lực, thay vì bị cười chê hay làm bẽ mặt. Tự nhiên là có bài kiểm đều đặn, nhưng mục đích chính là để xác định điểm yếu của học sinh trong môn học, hay điều mà em chưa hiểu rõ. Nó sẽ giúp thầy cô hoặc thay đổi lối dạy, có lớp bổ túc cho em nào gặp khó khăn; nó cũng giúp tìm ra học sinh khá, sẵn sàng học mức cao hơn.
Một ứng dụng tự nhiên của giáo dục TTH là tham thiền nằm trong chương trình học. Tham thiền được dạy và học sinh trung học giữ 10 phút yên lặng đều đặn trong ngày học; học sinh tiểu học giữ từ 5 đến 10 phút yên lặng đều đặn tùy theo mức tuổi. Trẻ em được xem như là linh hồn đang tiến hóa, các em được dạy cách nhận biết tình cảm tiêu cực và đối phó với nó một cách xây dựng.
Trường không dạy riêng một tôn giáo nào; thay vào đó là việc dạy sự tôn trọng nét thiêng liêng trong tất cả sinh linh. Học sinh được dạy, và dạy lẫn nhau, không làm hại côn trùng hay thú vật trong vườn. Đi sâu hơn thì Golden Link College có nhóm học Theosophy, họp nhau mỗi hai tuần trong trường. Theo nghĩa quan trọng thì trường tựa như một ashram, một trung tâm cho sự phát triển nội tâm không phải chỉ cho học sinh mà còn cho trọn thầy cô và nhân viên.
Một số trường khác tại các tỉnh được lập ra theo cùng chủ trương trong những năm sau, có nơi thành công có nơi thất bại nên kinh nghiệm rút tỉa là:
– Để lập một trường TTH, cần có một hội viên sẵn lòng chịu bỏ thì giờ, công sức và năng lực để hướng dẫn dự án và làm Hiệu trưởng, cũng như đây phải là nỗ lực dài hạn. Người như thế sẽ là cột trụ và cái neo cho trọn công cuộc nhất là trong những năm đầu, khi số học sinh ghi danh, nhân viên và tài chánh chưa ổn định
– Những thầy cô đầu tiên của trường phải được huấn luyện đầy đủ tại một trường TTH, ít nhất một năm. Đó là việc hấp thu và ứng dụng trọn một triết lý, một cách sống; người ta sẽ thay đổi con người mình mà không phải là chỉ thu thập kiến thức và kỹ thuật.
Hệ thống các trường Golden Link được tài trợ phần lớn bằng tiền hiến tặng, vì chúng được lập ra chính yếu để phục vụ thành phần kém may mắn trong xã hội. Nhiều trường khác và đại học quan tâm đến lối giáo dục tại Golden Link, và có nơi tỏ ý muốn áp dụng triết lý giáo dục ở đây. Tuy nhiên với một trường đã hoạt động có nề nếp vững vàng thì khó mà thay đổi chủ trương. Về nhiều mặt thì khởi sự từ đầu với một hệ thống mới hoàn toàn để điều hành trường thì dễ hơn.
Tài liệu:
- http://theosophy.ph/encyclo/index.php?title=Education_and_Theosophy
- Theosophical Schools in England 1915-30
- The Theosophical Educational Movement in Colonial Indonesia 1900 - 1947
- www.theosophy.ph/goldenlinkcollege.html